Bối cảnh Chiến_dịch_Guadalcanal

Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật Bản tấn công Hạm đội Thái Bình Dương tại Trân Châu Cảng thuộc quần đảo Hawaii. Cuộc tấn công đã đánh bại hạm đội thiết giáp hạm Mỹ, chính thức khai mào cuộc chiến tranh giữa hai nước. Mục tiêu ban đầu của những nhà lãnh đạo Nhật Bản là vô hiệu hóa Hải quân Mỹ, chiếm đóng các vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và thiết lập các căn cứ quân sự chiến lược nhằm bảo vệ vòng ngoài cho Đế quốc Nhật Bản tại châu Á và Thái Bình Dương. Đi xa hơn các mục tiêu đó, lực lượng Nhật Bản đã chiếm đóng Philippines, Thái Lan, Malaya thuộc Anh, Singapore, Đông Ấn thuộc Hà Lan, đảo Wake, quần đảo Gilbert, New BritainGuam. Tham gia cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản là tất cả các thế lực Đồng Minh, nhiều nước trong số đó, bao gồm Anh Quốc, Australia và Hà Lan, cũng bị Nhật Bản tấn công.[10]

Nhật Bản kiểm soát khu vực Tây Thái Bình Dương từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1942. Guadalcanal ở phía dưới bên phải giữa bản đồ.

Hai dự tính của Nhật Bản muốn duy trì thế chủ động chiến lược và mở rộng vành đai phòng thủ về phía Nam và Trung Thái Bình Dương đã bị ngăn trở trong những trận hải chiến tại biển CoralMidway. Midway không chỉ là một chiến thắng lớn đầu tiên của phía Đồng Minh trước đối thủ Nhật Bản chưa hề nếm mùi chiến bại, nó còn làm suy giảm đáng kể khả năng tấn công của lực lượng tàu sân bay Nhật. Cho đến lúc này, phía Đồng Minh vẫn còn trong thế phòng ngự tại Thái Bình Dương, nhưng những thắng lợi chiến lược này cho họ cơ hội lấy lại quyền chủ động chiến lược từ tay quân Nhật.[11]

Đồng Minh đã chọn quần đảo Solomon, một vùng đất dưới quyền bảo hộ của Anh, đặc biệt là các đảo phía Nam gồm Guadalcanal, Tulagi, và Florida như những mục tiêu ban đầu.[12] Hải quân Nhật đã chiếm đóng Tulagi vào tháng 5 năm 1942 và xây dựng một căn cứ thủy phi cơ gần đó. Sự lo ngại của phía Đồng Minh gia tăng, khi vào đầu tháng 7 năm 1942, Hải quân Nhật bắt đầu xây dựng một sân bay lớn tại Lunga Point trên đảo Guadalcanal kế cận. Đến tháng 8 năm 1942, quân Nhật có khoảng 900 lính hải quân trú đóng tại Tulagi và các đảo lân cận, và 2.800 người trên đảo Guadalcanal (2.200 trong số đó là lao động người Triều Tiên và các chuyên viên xây dựng Nhật Bản dân sự). Các căn cứ này, một khi hoàn tất, sẽ bảo vệ cho căn cứ trọng yếu của quân Nhật tại Rabaul, đe dọa con đường tiếp tế và liên lạc của Đồng Minh đến Australia và New Zealand, và là một khu vực tập trung quân cho chiến dịch được dự định tấn công vào Fiji, New CaledoniaSamoa. Quân Nhật dự định bố trí 45 máy bay tiêm kích và 60 máy bay ném bom đến Guadalcanal một khi sân bay hoàn tất. Những máy bay này sẽ hỗ trợ trên không cho lực lượng hải quân tiến sâu hơn vào khu vực Nam Thái Bình Dương.[13]

Kế hoạch của Đồng Minh nhằm chiếm đóng Nam Solomon là sáng kiến của Đô đốc Ernest King, Tổng tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ. Ông đề nghị cuộc tấn công này nhằm ngăn chặn việc quân Nhật sử dụng các hòn đảo làm căn cứ đe dọa con đường tiếp tế giữa Hoa Kỳ và Australia, và sử dụng chúng như những điểm xuất phát các cuộc tấn công trong tương lai. Được sự tán thành ngấm ngầm của Tổng thống Roosevelt, King hết lòng bênh vực cho cuộc chiếm đóng Guadalcanal. Khi Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Lục quân George C. Marshall phản đối hoạt động trên tuyến này đồng thời đặt vấn đề ai sẽ chỉ huy chiến dịch, King nhấn mạnh rằng Hải quân và Thủy quân Lục chiến sẽ tự thân thực hiện chiến dịch này, và chỉ thị cho Đô đốc Chester Nimitz tiến hành vạch kế hoạch sơ thảo. Cuối cùng thì King cũng chiến thắng trong cuộc tranh luận, và cuộc tấn công được tiến hành dưới sự hậu thuẫn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.[14]

Chiến dịch Guadalcanal được thực hiện phối hợp cùng một chiến dịch tấn công tại New Guinea dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas MacArthur nhằm chiếm lấy các quần đảo AdmiraltyBismarck, kể cả căn cứ chủ lực của Nhật tại Rabaul. Mục tiêu cuối cùng của nó là việc Mỹ sẽ tái chiếm Philippines.[15] Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho thành lập Mặt trận Nam Thái Bình Dương do Phó Đô đốc Robert L. Ghormley chỉ huy kể từ ngày 19 tháng 6 năm 1942, để chỉ đạo cuộc tấn công tại khu vực Solomon. Đô đốc Chester Nimitz, đặt bộ chỉ huy tại Trân Châu Cảng, được chỉ định làm Tổng tư lệnh lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương.[16]

Sân bay tại Lunga Point trên đảo Guadalcanal đang được xây dựng bởi các công nhân-nô lệ vào tháng 7 năm 1942.

Để chuẩn bị cho các hoạt động sắp tới tại Thái Bình Dương, vào tháng 5 năm 1942, Thiếu tướng Thủy quân Lục chiến Alexander Vandegrift được lệnh điều động Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến của ông từ Hoa Kỳ đến New Zealand. Các đơn vị lục quân, hải quân và không quân Đồng Minh khác được gửi đến để thiết lập các căn cứ tại Fiji, Samoa, New Hebrides và New Caledonia.[17] Espiritu Santo thuộc New Hebrides được chọn để đặt bộ chỉ huy và là căn cứ chính của cuộc tấn công, vốn được đặt tên mã là Chiến dịch Watchtower, và ngày dự định thực hiện được đặt ra là 7 tháng 8 năm 1942. Thoạt tiên, cuộc tấn công của Đồng Minh được vạch kế hoạch nhắm vào Tulagi và quần đảo Santa Cruz, bỏ qua Guadalcanal. Tuy nhiên, sau khi trinh sát phát hiện ra các nỗ lực xây dựng sân bay Nhật trên đảo Guadalcanal, việc chiếm nó được bổ sung vào kế hoạch, và cuối cùng việc đổ bộ lên Santa Cruz bị loại bỏ.[18] Thông qua tình báo vô tuyến, quân Nhật có biết được sự điều động quân lực với quy mô lớn tại khu vực Nam Thái Bình Dương, nhưng họ cho rằng Đồng Minh đang củng cố phòng thủ cho Australia và có thể cho Port Moresby tại New Guinea.[19]

Lực lượng tham gia Chiến dịch Watchtower, bao gồm 75 tàu chiến và tàu vận tải của cả Mỹ và Australia, được tập trung gần Fiji vào ngày 26 tháng 7 năm 1942, và tham gia một cuộc tổng dượt đổ bộ trước khi lên đường hướng đến Guadalcanal vào ngày 31 tháng 7.[20]. Chỉ huy trưởng lực lượng viễn chinh Đồng Minh tại chỗ là Phó Đô đốc Frank Fletcher, đặt cờ hiệu của mình trên tàu sân bay Saratoga. Chỉ huy lực lượng đổ bộ là Chuẩn Đô đốc Richmond K. Turner. Thiếu tướng Vandegrift dẫn đầu lực lượng bộ binh Đồng Minh khoảng 16.000 người (chủ yếu là Thủy quân Lục chiến Mỹ) để thực hiện đổ bộ.[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Guadalcanal http://ajrp.awm.gov.au/ajrp/ajrp2.nsf/088031725e45... http://ajrp.awm.gov.au/ajrp/ajrp2.nsf/Web-DocSecon... //www.amazon.com/dp/B0007DORUE http://www.users.bigpond.com/pacificwar/GermanyFir... http://www.combinedfleet.com/kaigun.htm http://www.franklinfavorite.com/articles/stories/2... http://books.google.com/books?id=xtaTS-POl-UC&prin... http://www.historyanimated.com/Guadalcanal.html http://www.nettally.com/~jrube/index2.html http://www.pacificwrecks.com/people/veterans/clark...